Thế là Tết này- Tân Mão, những người ưa khám phá thiên nhiên đã có thêm một địa chỉ để tham quan, ngơi nghỉ sau một chuyến xuyên rừng lội suối trên những cánh rừng Căn cứ Bắc Tây Ninh. Đấy là khu công viên tượng đài “Vì An ninh Tổ quốc” thuộc khu di tích Ban An ninh Miền ở rừng Chàng Riệc. Nói cặn kẽ hơn thì đấy là khu vực trảng Bảy Bàu, nơi trước kia có nhiều trảng trống và bàu nước, cũng là nơi trú đóng của Bộ Chỉ huy Ban An ninh giải phóng miền Nam, vừa chỉ huy các lực lượng an ninh ở toàn miền chiến đấu, vừa có các đơn vị trực tiếp bảo vệ Trung ương Cục, UB Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng, Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam… những năm chống Mỹ.
Ồ! Kỳ diệu thay là sức con người. Mới ngày 30.4.2010 truyền hình trực tiếp lễ kỷ niệm 35 năm giải phóng, ở nơi này cỏ còn chưa kịp mọc, người ta đã phải trải bạt nilon màu cỏ trên đồi có cụm tượng đài trước sân lễ chính. Thì nay cuối tháng 12, tất cả đã bừng tươi ngời ngợi dưới ánh nắng vàng mật ong của mùa khô biên giới. Cỏ xanh miên man trên những khoảnh vườn xen giữa các lối đi. Lại còn bao nhiêu thứ cây kiểng quý từ khắp các tỉnh miền Nam đem về cũng đang mườn mượt lớn. Toàn khu công viên rộng 8 ha, hàng vạn cây xanh, hàng ngàn mét cỏ. Vậy mà vẫn như lọt thỏm giữa rừng ba bốn phía dâng lên ở chung quanh như bức tường thành vĩnh cửu của thiên nhiên. Màu rừng xanh đậm, càng làm nổi bật lên những bãi cỏ non tươi. Và! Điều kỳ diệu gần gũi với tự nhiên nhất nơi đây lại chính là… mặt nước. Nước lai láng chảy như là hoang tưởng, trong những dòng kênh xanh trong uốn lượn như những dải lụa mềm ôm vòng lấy cỏ cây và cụm sân lễ, tượng đài. Nước trong xanh không thể tả, chảy mà như lặng tờ giữa đôi bờ kè đá, xây nắn nót từng viên hình lục giác như mặt tổ ong. Nước nâng đỡ những cây cầu có gầm cong như một cánh cung nhưng lại có lan can kỷ hà thẳng thớm. Chẳng biết do đâu, mà nước còn leo lên hồ ở đỉnh ngọn đồi đặt tượng đài. Quanh hồ có những lan can ta có thể ngồi soi bóng mình trên gương nước. Lan can chỗ thẳng, chỗ cong uyển chuyển dịu dàng như ôm lấy đài sen bê tông trôi nổi giữa hồ. Trên đài sen này mới là khối trụ tròn bệ tượng. Đỉnh trụ là hình ảnh các chiến sĩ an ninh năm xưa, được tạo hình theo ngôn ngữ hiện thực, tay súng, vai ba lô đang tiến bước dưới ngọn cờ Đảng và cờ Tổ quốc. Chưa hết, đằng sau vẫn còn một tấm tường phù điêu có hình dạng chung vừa như những cánh hoa, vừa như lớp lớp sóng triều. Trên ấy mô tả rất nhiều những cảnh chiến sĩ công an chiến đấu hoặc sống giữa lòng dân thể hiện nghĩa tình quân dân cá nước…
Thật đáng ngạc nhiên sao, trên một góc rừng Chàng Riệc kề bên cửa khẩu quốc tế Xa Mát đang xây dựng, lại có một công viên đẹp đến nhường này. Đẹp và có quy mô dài rộng, tới vài hécta (có người nói 8 ha, có người lại bảo 10 ha). Từ hành lang ngôi nhà Bảo tàng cũng thật hài hoà giữa cây xanh và ngói đỏ, nhìn ra, còn thấy miên man những trụ đèn đường, đèn trang trí bám theo những con đường, bậc cấp lên xuống lát toàn bằng đá núi. Có nơi là đá chẻ xù xì, chỗ trang trọng hơn là đá được gia công bóng sáng. Thấp thoáng đằng xa, nổi bật trên nền rừng là những ngôi nhà ngói đỏ, ngói xám được cấu trúc kiểu nhà sàn, hay nhà nghỉ cho khách đi tản bộ dừng chân.
Một tiểu cảnh trên công viên Chàng Riệc.
|
Dẫu biết đây là khu công viên đài tưởng niệm của các chiến sĩ Ban An ninh giải phóng miền Nam, do công sức và tài vật của công an các tỉnh thành chung tay góp sức xây nên; nhưng, với tầm cỡ quy mô và nghệ thuật kiến trúc tiểu cảnh, nơi này thật xứng đáng gọi là một công viên của Thủ đô kháng chiến, hay giản dị hơn là công viên Rừng Chàng Riệc. Mai này, khi cửa khẩu Quốc tế Xa Mát hoàn thành và đi vào hoạt động, chắc chắn đây sẽ còn là một nơi du khách trên tuyến đường Xuyên Á không thể bỏ qua.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét